Quên mật khẩu? tại đây
Đăng kýXe bị rung lắc phổ biến do 8 nguyên nhân sau đây
Thứ sáu, 14/02/2020 17:05 (GMT +7)
Cho dù chiếc xe chạy nhanh hay chậm, nếu để ý tài xế đều có thể cảm nhận được rõ rệt tình trạng chiếc xe bị rung, lệch hoặc nhao lái, và đặc biệt nếu việc bon bon trên đường cao tốc bằng phẳng mà cảm giác lại lắc lư giống hệt khi đi ở đoạn đường gồ ghề thì chẳng dễ chịu chút nào phải không ạ. Vậy nguyên nhân xe ô tô bị rung lắc do đâu, và làm thế nào để khắc phục, có tránh được tình trạng này không, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc đó ở nội dung ngay bên dưới đây nhé.
Phổ biến thì có 8 nguyên nhân chủ yếu sau đây:
1. Liên quan đến lốp ô tô
Lốp xe mòn không đều – khiến việc cân bằng trọng lượng của chiếc xe trên 4 trục bánh xe bị ảnh hưởng. Ngồi lái ô tô, bạn có thể cảm nhận được tay vô lăng rung lên. Điều đó có nghĩa là một hoặc hai bánh xe đang phải hoạt động quá sức, trục bánh xe bị lắc mạnh.
Lốp xe không cân bằng – sẽ rung theo tốc độ tăng dần của chiếc xe khi chạy trên đường. Chiếc xe chạy với tốc độ càng cao thì xe càng bị lắc mạnh, khiến việc xử lý tình huống khi chạy xe trở nên nguy hiểm hơn nếu lái xe mất lái.
(Máy cân bằng lốp giúp gara tiến hành cân bằng lại lốp ô tô, hoặc xác định đảo lốp ở những vị trí nào)
Lốp xe cũ thường bị khô hoặc phồng rộp do cao su đã bị lão hóa – cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, điều này thì bạn hoàn toàn có thể phòng tránh được theo các cách như:
- Lốp xe bị nứt, tách – yêu cầu phải thay lốp.
- Bề mặt lốp bị mòn không đều (vẫn còn đảm bảo tiêu chuẩn) – yêu cầu đảo lốp, xoay lốp.
- Lốp xe đã bị méo (out of round), không còn cuộn đều – yêu cầu thay lốp.
- Kiểm tra áp suất lốp mà thấy quá thấp – bơm thêm cho lốp.
- Lốp quá cũ – hãy thay lốp mới.
2. Lazăng bị móp méo
Thường xuyên chạy xe lao vỉa hè, va quệt với lề đường hoặc đất đá cứng – có thể dẫn đến móp méo lazang/ vành bánh xe, đây là tình trạng khá phổ biến đối với nhiều loại xe.
Lazang bị móp méo – khiến cho việc tiếp xúc với lốp bị ảnh hưởng, đồng thời gây hư hại cho lốp, và làm bánh xe bị mất cân bằng, dẫn đến xe bị nhao lái và rung lắc.
(Máy nắn chỉnh lazang ZETAMAK)
3. Liên quan đến hệ thống lái hay trợ lực lái
Các chi tiết liên kết ở hệ thống lái bị lỏng, hoặc trợ lực lái có vấn đề – tài xế sẽ cảm nhận được cảm giác rung tay khi bám vô lăng hơn so với bình thường. Lúc này bạn kiểm tra dầu trợ lực lái, bơm phớt, hoặc các khớp nối có bình thường không.
4. Liên quan đến hệ thống truyền lực
Hệ thống truyền lực bao gồm một cụm các chi tiết như: hộp số, trục các-đăng, các khớp nối, truyền lực chính, vi-sai… dùng để truyền chuyển động từ động cơ tới các bánh xe. Trong quá trình làm việc, các chi tiết này tham gia các chuyển động quay liên tục vì vậy sự hư hỏng hoặc mài mòn của các chi tiết trong cụm này cũng có thể gây ra rung, lắc xe.
5. Liên quan đến hệ thống phanh
Nếu hiện tượng rung lắc xe xảy ra khi bạn đạp phanh, thì khả năng lớn là nguyên nhân gây ra ở hệ thống phanh. Có thể đĩa phanh hoặc trống phanh bị cong, nứt, méo, có sự mắc kẹt ở má phanh... Hoặc má phanh đã bị mòn hết, khi phanh các tấm kim loại ép nhau, vì nó không phẳng nên gây ra rung lắc.
Đĩa phanh hoặc trống phanh bị mài mòn không đều thì giải pháp là tiện láng đĩa phanh giúp cho bề mặt này phẳng đều và trơn tru, không chỉ khắc phục việc xe bị rung lắc mà còn giúp phanh trở nên “ăn” hơn do loại bỏ được lớp kim loại bị chai cứng ở trên bề mặt.
Tuy nhiên không nên quá lạm dụng cách này vì như vậy sẽ làm giảm tuổi thọ của đĩa phanh hoặc trống phanh do càng vào bên trong các lớp kim loại càng nhanh bị mài mòn do công nghệ tôi, ram sau gia công chỉ tốt ở ngoài bề mặt.
6. Các điểm liên kết của động cơ
Các cụm liên kết giữa động cơ với khung xe, với giá đỡ được cấu tạo từ kim loại và cao su. Nếu các cụm kết nối này bị vỡ, hỏng, nó sẽ làm mất tính năng đàn hồi cần thiết, mất liên kết giữa động cơ và thân xe, khiến xe bị rung lắc mạnh.
Đưa xe đến điểm sửa chữa kiểm tra thật kỹ và có giải pháp phù hợp là cách tốt nhất cho trường hợp này. Cần thiết thì phải thay thế các điểm kết nối không ổn định để tránh hư hại đến động cơ, giá đỡ hay phân khung xe.
7. Liên quan đến động cơ
Khi động cơ làm việc thì hàng trăm các chi tiết khác nhau của động cơ cùng tham gia chuyển động quay nên mặc dù mỗi động cơ được thiết kế đã được cân bằng một cách tối ưu nhờ các trục cân bằng thì việc cùng tham gia chuyển động của hàng trăm chi tiết khác nhau với tốc độ quay khác nhau vẫn gây ra những rung động nhất định.
Một số nguyên nhân có thể là: xi lanh bị mất lửa, hệ thống nạp bị tắc, cảm biến hỏng, trục khuỷu, thanh truyền có thể bị cong. Nhẹ hơn thì có thể chỉ cần thay buji, hay bộ lọc khí.
Nếu động cơ xuất hiện hiện tượng bó máy – tức là một trong các xilanh không nổ, thì hiện tượng rung, giật khi bạn ngồi trên xe có thể cảm nhận được.
Để cảm nhận được xe bị rung lắc do động cơ nhiều khi không đơn giản như thế, do đó khi đã xem xét ở các vị trí cụ thể và không tự tìm ra được nguyên nhân thì bạn cần đến sự giúp đỡ của thợ.
Để kiểm tra hiện tượng bó máy bằng cách – người thợ sẽ lần lượt rút từng đường cao áp ra khỏi bugi ở trên các máy. Nếu khi rút ra mà độ rung của máy không thay đổi thì chứng tỏ máy đó đã không làm việc.
8. Liên quan đến hệ thống treo
Hệ thống treo là liên kết duy nhất từ bánh xe lên thân xe. Nó là một hệ thống có chức năng kết nối thân xe với truyền động.
Khi hệ thống treo gặp vấn đề – gãy nhíp, gãy lò xo, hỏng lớp đệm, giảm trấn bị hỏng,… nó sẽ không thể hấp thu được các rung động từ mặt đường nữa, và bản thân sự hư hại này cũng trực tiếp gây ra tác động đến thân xe khiến cho xe bị rung lắc.
Thu Hiền (tổng hợp)